Đối tượng bị kiểm duyệt Kiểm duyệt Internet ở Việt Nam

Công trình nghiên cứu của OpenNet vào năm 2006 kết luận rằng chính quyền Việt Nam đang tích cực kiểm duyệt mạng, và sự tinh vi kỹ thuật, bề rộng, cũng như hiệu lực của hệ thống kiểm duyệt ngày càng tăng lên.[5] Sự kiểm duyệt này cũng được thực hiện một cách thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm.[5] Năm 2015 Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Sans Frontières – RSF) liệt kê Việt Nam là một trong 11 quốc gia "kẻ thù của internet".[15]

Khiêu dâm

Mặc dù nội dung "đồi trụy" là một trong những lý do chính được chính quyền nêu ra để kiểm duyệt Internet, trên thực tế rất ít trang web với nội dung khiêu dâm bị kiểm duyệt tại Việt Nam.[1] Việc này cho thấy việc kiểm duyệt trên thực tế không phải vì những lý do chính quyền nêu ra.[1] Nghiên cứu của OpenNet vào năm 2007 cho thấy không trang web có nội dung khiêu dâm nào bị chặn (trừ một trang web có chứa liên kết đến một trang khiêu dâm, nhưng bị chặn vì lý do khác).[1]

Khi một số trang như Facebook và YouTube được đại diện công ty truyền thông tại Việt Nam cho là bị chặn vì lý do kinh tế do chiếm đến 70%-80% băng thông quốc tế chạy qua mà không đem lại lợi nhuận cho các nhà cung cấp, một số ý kiến phản hồi trong nước thắc mắc việc hàng nghìn trang web khiêu dâm có đem lại lợi nhuận cho nhà mạng mà không bị chặn [16]. Điều này đặc biệt không hợp lý trong bối cảnh Việt Nam là nước có người tìm kiếm về sex nhiều nhất thế giới, theo thống kê từ khóa của Google năm 2007 đến 2010 [17][18][19]. Thống kê lưu lượng băng thông của những trang web này cũng chưa từng được công bố.[16] Vào tháng 11 năm 2019 các nhà mạng Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT Telecom,... có thể đã chặn hàng loạt trang khiêu dâm một cách âm thầm hay chính thức, nhưng sự kiện này cũng chưa được thông báo rõ ràng.

Chính trị và tự do

Nghiên cứu của OpenNet cho thấy các trang web bị chặn chủ yếu có nội dung chính trị, như về các hoạt động chống đối của người Việt hải ngoại, báo chí hải ngoại hay độc lập, nhân quyền, hay tôn giáo.[1]

Phần lớn các website bị chặn đều đặc trưng đến Việt Nam: chúng được viết bằng tiếng Việt hay có nội dung về các vấn đề của Việt Nam.[1] Những website không có nội dung liên quan đến Việt Nam hay viết bằng tiếng Anh ít khi bị chặn. Ví dụ, trang web Việt ngữ cho đài Á Châu Tự do bị cả hai nhà cung cấp dịch vụ Internet được khảo sát chặn lại, trong khi trang web tiếng Anh chỉ bị một nhà cung cấp chặn lại.[1] Trong danh sách các trang web của các tổ chức nhân quyền quốc tế, chỉ có trang web của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bị chặn, trong khi nhiều website tiếng Việt có nội dung chỉ động đến hay gián tiếp chỉ trích chính quyền thì bị chặn, cũng như những website trực tiếp chỉ trích chính quyền.

Một số nội dung tôn giáo, như các trang web nói về tự do tôn giáo, Phật giáo, Cao Đài, cũng bị chặn.[1]

Những tổ chức không mang tính chính trị nhưng đề xướng tự do ngôn luậntự do báo chí như Reporters Sans Frontières (RSF) hay Dân làm báo cũng bị chính quyền Việt Nam ngăn cản khiến người dân trong nước không thể truy cập trang web của những tổ chức này được. RSF đã phải đặt những phiên bản tương đồng nội dung qua đám mây điện toán để chống lại bức tường lửa của chính quyền.[15]

Trang blog và mạng xã hội

Từ cuối năm 2009, Facebook đã bắt đầu có vấn đề truy cập và đến năm 2010 tình trạng này đã tăng lên.[2] Nhiều người viết blog phải tự kiểm duyệt vì sợ bị chính quyền "chiếu cố", một số người khác đã gặp trường hợp bài blog bị xóa khi viết về đề tài nhạy cảm.[20]

Tại hội thảo do Viện Công nghệ thông tin thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đầu năm 2012, ông Nguyễn Lâm Thanh, giám đốc VTC, khẳng định việc chặn Facebook "không phải vì lý do chính trị mà chỉ vì lý do kinh tế". Việc truy cập Facebook chỉ thỉnh thoảng tắc nghẽn, mang tính không đồng đồng loạt và liên tục là nhằm nhường băng thông cho những dịch vụ sinh lợi hơn.[16][21] Sau đó, đại diện các nhà cung cấp dịch vụ Internet lại phủ nhận điều này với báo giới, nói rằng họ luôn "đặt lợi ích của khách hàng lên trên lợi ích kinh tế", "việc định tuyến với nước ngoài gặp trục trặc nên dẫn đến hiện tượng khó truy cập các trang web nước ngoài".[22]

Theo nghị định 72 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 năm 2013, các mạng xã hội có nhiệm vụ "không được chủ động cung cấp thông tin công cộng có nội dung vi phạm quy định", "phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để loại bỏ hoặc ngăn chặn thông tin có nội dung vi phạm quy định", "cung cấp thông tin cá nhân và thông tin riêng của người sử dụng có liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm, vi phạm pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền", và "có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền".[14] Nghị định cũng không cho phép người dùng mạng xã hội cung cấp thông tin tổng hợp qua trang trang cá nhân trên các mạng xã hội.[14][23]

Ngày 25 tháng 5 năm 2018, blogger Nguyễn Anh Tuấn đã được A67, Cục Chống Phản động và Khủng bố thuộc Bộ Công an chi nhánh phía Nam giữ lại tại sân bay Tân Sơn Nhất để yêu cầu xóa các bài viết về Vincom Group lấy các đất vàng Hà Nội mà không qua đấu thầu. Ông Tuấn đã từ chối.[24]

Dụng cụ vượt tường lửa

Theo thông tư liên tịch 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT, các dụng cụ vượt tường lửa bị cấm sử dụng tại Việt Nam.[1] Theo nghiên cứu của OpenNet, nhiều proxy server và dụng cụ vượt tường lửa cũng không truy cập được.[1] OpenNet đánh giá mức độ kiểm duyệt của Việt Nam trong thể loại này là "đáng kể" (substantial).[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kiểm duyệt Internet ở Việt Nam http://www.alexa.com/topsites/countries/VN http://googleonlinesecurity.blogspot.com/2010/03/c... http://www.globalpost.com/dispatch/vietnam/100928/... http://www.google.com/trends/?q=sex&ctab=0&geo=all... http://blogs.mcafee.com/corporate/cto/vietnamese-s... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/vi... http://www.thongtincongnghe.com/article/31972 http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/arr... http://cyber.law.harvard.edu/newsroom/opennet_viet... http://vi.rfi.fr/20150312-rsf-vn//